Quy định miễn thuế đồng thời với hồ sơ thủ tục
Quy định về thông báo hàng hóa miễn thuế dự kiến NK, theo quy định tại Điều 17 của Luật Thuế XK, thuế NK, đối với các trường hợp quy định tại các Khoản 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 18 Điều 16 của Luật Thuế XK, thuế NK thì người nộp thuế thực hiện thông báo hàng hóa miễn thuế dự kiến NK với cơ quan Hải quan. Theo đó, để đảm bảo cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, tại Điều 30 của Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể về việc thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế dự kiến NK, trong đó quy định cụ thể về các nội dung như: Các trường hợp thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế là các trường hợp thuộc các Điều 14, 15, 16, 18, 23, 24; nguyên tắc xây dựng Danh mục; hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế; thời gian, địa điểm thông báo Danh mục miễn thuế; điều chỉnh Danh mục trong trường hợp Danh mục miễn thuế đã thông báo có sai sót hoặc cần sửa đổi; trách nhiệm của cơ quan Hải quan và của chủ dự án.
Về thủ tục miễn thuế, theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, Luật Thuế XK, thuế NK, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Hiện thủ tục miễn, giảm, hoàn thuế được quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính. Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến của các bộ, ngành và địa phương đề nghị đưa các quy định về thủ tục miễn thuế XK, thuế NK vào dự thảo Nghị định này để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất và hợp nhất của văn bản pháp luật, thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát và triển khai thực hiện Luật Thuế XK, thuế NK.
Tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định về thủ tục miễn, giảm, hoàn thuế tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hợp nhất, không vượt ra ngoài phạm vi của Nghị định này là quy định chi tiết và biện pháp thi hành về thuế XK, thuế NK. Theo đó, tại từng Điều quy định về miễn thuế thì đồng thời cũng quy định cụ thể về hồ sơ thủ tục. Ngoài ra, để tránh trùng lặp, Nghị định 134 dành 2 điều để quy định về hồ sơ, thủ tục miễn thuế áp dụng chung (Điều 30, 31) đối với các trường hợp có chung thủ tục.
Hướng dẫn cụ thể về giảm thuế
Theo quy định tại Điều 18, Luật Thuế XK, thuế NK thì hàng hóa XK, NK đang trong quá trình giám sát của cơ quan Hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được giảm thuế. Mức giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa XK, NK bị hư hỏng, mất mát toàn bộ thì không phải nộp thuế.
Hướng dẫn quy định này, tại Ðiều 32 Nghị định 134 đã quy định cụ thể: Hàng hoá XK, NK đang trong quá trình giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, nếu bị hư hỏng, mất mát do nguyên nhân khách quan được giảm thuế; đồng thời, quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị giảm thuế, thủ tục, thẩm quyền giảm thuế, trong đó quy định cơ sở để xác định hàng hóa được giảm thuế là phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền giám định về mức độ thiệt hại, văn bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại.
Về hoàn thuế
Căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Thuế XK, thuế NK về các trường hợp hoàn thuế, tại các Điều từ 33 đến 37 Nghị định 134 đã quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp được hoàn thuế, bao gồm: Hoàn thuế đối với hàng hóa XK phải tái nhập; hoàn thuế đối với hàng hóa NK phải tái xuất; hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất; hoàn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã XK sản phẩm và hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế NK, thuế XK nhưng không có hàng hóa NK, XK hoặc NK, XK ít hơn so với hàng hóa NK, XK đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.
Quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương
Luật Thuế XK, thuế NK không quy định cụ thể trách nhiệm ban hành danh mục hàng hóa trong nước chưa sản xuất được của từng lĩnh vực để làm căn cứ miễn thuế mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, để tập trung thống nhất trong việc thực hiện, kế thừa các quy định hiện hành tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP, Điều 40 Nghị định 134 đã quy định: Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để làm căn cứ miễn thuế theo quy định tại Nghị định này, gồm: Phương tiện vận tải chuyên dùng cần thiết cho hoạt động dầu khí; phương tiện vận tải nằm trong dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động đóng tàu; tài liệu, sách báo, tạp chí khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ. Bộ Công Thương ban hành danh mục hoặc tiêu chí để xác định vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục hoặc tiêu chí để xác định sách, báo, tài liệu, thiết bị dạy học, thiết bị nghiên cứu dùng trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác, trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục hoặc tiêu chí để xác định giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần thiết NK. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục hoặc tiêu chí để xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục hoặc tiêu chí để xác định máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng NK để bảo vệ môi trường; sản phẩm XK được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng NK phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước. |