Logistics Việt Nam: Liên kết hay là chết
Cập nhật : 19/9/2016
Lĩnh vực logistics tại Việt Nam đang là miếng bánh béo bở đối với doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Vì thế, việc Samsung chính thức bước chân vào lĩnh vực này càng tạo sức ép cạnh tranh lên DN logistics nội địa vốn đang yếu thế và xem ra khó khăn càng thêm chồng chất.
|
Khi quyết định liên doanh với CTCP Logistics Hàng không (ALS – Aviation Logistics Service) để tham gia mảng kinh doanh logistics tại ga sân bay Nội Bài (Hà Nội), Samsung SDS (một công ty con của Tập đoàn Samsung), cho biết họ đã nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực logistics tại thị trường Việt Nam với mức tăng trưởng 15-20% mỗi năm. Bước đầu, Samsung SD sẽ phụ trách phần dịch vụ logistics, bao gồm vận chuyển trong nước và quốc tế, kho bãi và tìm kiếm khách hàng. ALS sẽ đóng góp bằng mạng lưới khách hàng nội địa truyền thống và tìm kiếm thêm khách hàng. Đây là liên doanh thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á của Samsung SDS. Trước đó, công ty này đã liên doanh với Acutech – công ty dịch vụ vận tải lớn nhất của Thái Lan. Thực tế, việc các tập đoàn lớn của nước ngoài rót vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam là xu hướng hiện nay. Có thể kể vài tên tuổi lớn như DHL Sypply Chain, Maersk Logistics, APL Logistics, Nippon Express, Expeditors, Panalpina, Agility, DHL, Global Forwarding, DGF…
Các báo cáo phân tích gần đây của giới chuyên gia đã vẽ ra triển vọng của ngành logistics ở Việt Nam là rất lớn. Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đã tăng đến 24%. Hoạt động của logistics đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thuận lợi hóa thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Tuy vậy, chi phí logistics ở Việt Nam hàng năm lên đến 37-40 tỷ USD, ở mức cao nhất trên thế giới, chiếm 25% GDP. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh về chi phí của các DN Việt Nam. Đáng nói triển vọng lớn của ngành này lại đang phần lớn rơi vào tay của khối ngoại, xuất phát từ sự yếu kém của các DN logistics nội địa. Đánh giá về các DN logistics tại Việt Nam, Viện Nomura (Nhật Bản) cho rằng mới đáp ứng được 25% nhu cầu thị trường logistics.
Ước tính, ở Việt Nam hiện có khoảng 2.000 DN đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics, đa số là DNNVV với khoảng 300.000 khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Trong đó, số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ khoảng 3-4% nhưng đang chiếm đến 80% thị phần logistics tại Việt Nam. Đơn cử như tại TPHCM, các DN nước ngoài chiếm lĩnh đến 80% dịch vụ logistics, từ xây dựng cho đến các đại lý, làm cầu nối dịch vụ logistics, thiết lập mạng lưới vận tải cho hàng hóa xuất nhập khẩu… Trong khi đó, phần lớn DN logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, chủ yếu tham gia một số công đoạn cơ bản của hoạt động logistics như dịch vụ cảng, bốc dỡ, mua bán cước đường biển, hàng không, xe container, khai thuê các thủ tục thông quan. Vì thế không nhiều công ty đủ năng lực đảm nhận toàn bộ chuỗi cung ứng bao gồm vận chuyển đường bộ, kho bãi, đóng gói, thuê tàu… Đến nay, vẫn chưa có DN nội địa nào có năng lực đủ mạnh để tham gia cung ứng dịch vụ logistics hoặc cung ứng dịch vụ vận tải tổng hợp tại nước ngoài, hay đủ tầm kinh doanh logistics theo đúng nghĩa của nó. Hơn nữa, các công ty logistics của Việt Nam chưa có hệ thống đại lý ở nước ngoài, nên thường xuyên gặp khó khăn khi khách hàng cần dịch vụ tích hợp từ đường biển, hàng không cho tới đường bộ ở nước ngoài.
(Sưu tầm: Trích nguồn Internet)
Tin liên quan
- Đường sắt chở hàng container sang châu Âu
- Doanh nghiệp thủy sản “sốt ruột” vì giá cước vận tải biển và thiếu container rỗng
- Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá săm, lốp xe đạp và xe máy
- Ngành vận tải biển chưa thoát khỏi thế khó vì dịch COVID-19
- Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số