Cơ hội nào cho gỗ xuất khẩu của Việt Nam?
Cập nhật : 21/10/2016
Mặt hàng các sản phẩm gỗ Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang có mức tăng trưởng khá.
Cơ hội nào cho gỗ xuất khẩu của Việt Nam? Ảnh minh họa: myanmaronedirectory.com
Ngày 4/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội xuất khẩu”
Mặt hàng các sản phẩm gỗ Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang có mức tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam hàng năm; trong đó, 50% giá trị là dăm gỗ. Nhật Bản được coi là thị trường ổn định nên việc duy trì và mở rộng thị trường Nhật Bản là điều quan trọng.
Hàn Quốc cũng là thị trường tiềm năng đối với ngành gỗ Việt Nam với tăng trưởng kim ngạch bình quân 30%/năm. Trong các mặt hàng gỗ xuất khẩu vào Hàn Quốc, dăm gỗ, ghế gỗ, gỗ dán là nhóm sản phẩm đem lại giá trị xuất khẩu cao; trong đó kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ chiếm 30-40% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ vào thị trường này.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là quốc gia quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam cả trên phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu, thị trường tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Mức thặng dư của Việt Nam trong hoạt động thương mại của ngành gỗ với Hoa Kỳ cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cao gấp khoảng 10 lần so với giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này, với hơn 2 tỷ USD, chiếm khoảng 30% trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam.
Đến nay, mức thặng dư trong thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục gia tăng. Đây là những tín hiệu tích cực, phản ánh rõ nét việc mở rộng nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20% mỗi năm, cơ hội ngành gỗ mở rộng xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Bản thân ngành gỗ Việt Nam từ năm 2006 đã có thuế xuất khẩu bằng 0% và cùng với đó những rào cản phi thuế quan không tác động lớn đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, những cơ chế chính sách cho ngành gỗ hiện rất thông thoáng tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động thuận lợi là những điều kiện góp phần cho mở rộng xuất khẩu.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực mở ra từ thị trường Hoa Kỳ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lưu ý, đằng sau những thuận lợi này là do Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc quá cao, từ 55 – 120%.
Vậy khi xuất khẩu nhiều sang Hoa Kỳ sẽ dồn quá nhiều "trứng vào một giỏ". Nếu ngành gỗ Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá thì khó khăn hơn rất nhiều hơn so với thủy sản.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends đánh giá, Mỹ và Nhật Bản hiện là thành viên của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên cơ hội mở rộng cho việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường này có tiềm năng rất lớn.
Do vậy, việc thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này có ý nghĩa quan trọng trong quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế mặt hàng gỗ của Việt Nam trên thế giới. Vấn đề hiện nay các doanh nghiệp cần lưu ý trong xuất khẩu là sử dụng gỗ có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là các loại gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, quan trọng nhất lúc này của ngành chế biến gỗ là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của công nhân để nhanh chóng tận dụng được những lợi thế./.
Tin liên quan
- Đường sắt chở hàng container sang châu Âu
- Doanh nghiệp thủy sản “sốt ruột” vì giá cước vận tải biển và thiếu container rỗng
- Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá săm, lốp xe đạp và xe máy
- Ngành vận tải biển chưa thoát khỏi thế khó vì dịch COVID-19
- Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số