Mua bảo hiểm, chú ý về thỏa thuận Hàng hóa XNK bằng đường biển thường gặp rất nhiều rủi ro do hành trình lâu và môi trường khó kiểm soát. Sử dụng vận tải đường biển, chủ hàng sẽ dùng vận đơn (B/L) là chứng từ duy nhất điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở và chủ hàng, đặc biệt là trong phương thức vận chuyển tàu chợ. Hiện nay, hầu hết người chuyên chở tàu chợ thường là thành viên của Công ước Hague 1924 và Hague-Visby 1968, trong đó quy định người chuyên chở chỉ có 3 trách nhiệm (cung cấp tàu có đủ khả năng đi biển, trách nhiệm thương mại và trách nhiệm cấp vận đơn) cùng với 17 miễn trách. Trong hành trình đường biển, hàng hóa gặp rủi ro gây tổn thất hoặc mất mát thì chủ hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khiếu nại đòi người chuyên chở bồi thường. Đây cũng chính là hai trong những lý do thúc đẩy chủ hàng mua bảo hiểm cho hàng hóa. Khi mua bảo hiểm, chủ hàng luôn muốn rằng khi hàng hóa gặp bất kỳ rủi ro nào thì công ty bảo hiểm cũng sẽ bồi thường. Chính từ nhu cầu tất yếu này mà Phòng Thương mại quốc tế – ICC khi soạn thảo ra các điều kiện giao hàng đã cân nhắc đưa trách nhiệm mua bao hiểm vào như là một nội dung cơ bản về trách nhiệm của người bán và người mua đối với nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hóa. Theo đó, nếu không có bất cứ thảo thuận nào khác, người bán và người mua ký kết hợp đồng mua bán theo điều kiện CIF thì người bán phải có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hóa để cho người mua hưởng lợi. Mua bảo hiểm – vẫn không được đền bù ? Nói về các điều kiện bảo hiểm, hiện nay, phần lớn chủ hàng mua bảo hiểm cho hàng hóa theo một trong ba điều kiện: A, B, C. Trong đó, điều kiện loại C được xem là tối thiểu nhất và điều kiện loại A được coi là tối đa vì bảo hiểm cho mọi rủi ro. Nếu người bán CIF nhưng trong hợp đồng không có thỏa thuận khác thì chỉ cần mua bảo hiểm theo điều kiện loại C. Vì vậy, nếu người bán mua bảo hiểm loại A thì được xem là hoàn thành rất tốt trách nhiệm của mình. Nói về người mua trong trường hợp này, khi nhận giấy chứng nhận bào hiểm theo điều kiện loại A sẽ cảm thấy an tâm rằng nếu có rủi ro xảy ra cho hàng hóa thì sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường. Đây là một trong số những lý do khiến một số nhà NK VN thích mua hàng theo điều kiện CIF. Khi mua hàng theo điều kiện CIF, nhà NK lại thường chủ quan vì chỉ cần giấy chứng nhận bảo hiểm là được. Tuy nhiên, tình huống thực tế dưới đây sẽ cung cấp một trong số những nhược điểm khi mua hàng theo điều kiện CIF. Nhà NK là một công ty của VN đã NK một lô hàng các loại bao đay đóng trong một container 20’. Hàng hóa được mua bán theo điều kiện CIF, người bán đã mua bảo hiểm theo điều kiện loại A và đã cung cấp cho người mua giấy chứng nhận bảo hiểm này theo đúng thời hạn thỏa thuận. Khi hàng về đến cảng Cát Lái, nhà NK hoàn tất các thủ tục cần thiết và kéo container về kho để rút hàng. Khi mở container, chủ hàng nhìn thấy một số kiện hàng có dấu hiệu bị ướt nên đã giữ nguyên hiện trường và mời giám định đến giám định tổn thất. Sau khi giám định, đại lý giám định đã gửi biên bản kết quả giám định cho chủ hàng, trong đó thể hiện một số kiện hàng bị ẩm mốc và container không có dấu hiệu cho thấm nước. Người mua dựa và kết quả giám định trên đã gửi hồ sơ yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường vì hàng hóa được mua bảo hiểm theo điều kiện loại A và trong rủi ro loại trừ của điều kiện bảo hiểm này thì không có rủi ro loại trừ do ẩm mốc. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm sau khi xem xét hồ sơ và kết quả giám định thì tuyên bố từ chối bồi thường vì tổn thất này là do một rủi ro bị loại trừ trong Hợp đồng bảo hiểm bao mà người bán đã ký với công ty bảo hiểm trước đó. Tìm hiểu kỹ về nghĩa vụ bảo hiểm Từ tình huống trên, chúng ta có thể rút ra một bài học lớn cho các nhà NK khi mua hàng theo điều kiện CIF là người mua nên tìm hiểu kỹ về nghĩa vụ bảo hiểm cũng như quyền bảo hiểm của người bán. Người mua cần phải tìm hiểu xem lô hàng NK của người mua có thuộc phạm vi điều chỉnh của hợp đồng bảo hiểm bao nào không. Nếu lô hàng đó thuộc phạm vi của hợp đồng bao thì người mua có thể yêu cầu người bán cung cấp bản sao của hợp đồng bao để tìm hiểu xem có điều kiện loại trừ bảo hiểm bổ sung hay không. Nếu hợp đồng bao có điều kiện loại trừ bổ sung mà xét thấy có ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của mình thì người mua có thể yêu cầu người bán phải mua bổ sung cho những rủi ro loại trừ đó hoặc chỉ định công ty bảo hiểm khác với công ty bảo hiểm bao, với điều kiện không có rủi ro loại trừ (trừ những rủi ro loại trừ căn bản). Trong trường hợp lô hàng không thuộc phạm vi hợp đồng bao thì nên quy định tương tự để tránh chịu thiệt thòi khi có tổn thất xảy ra. Một điều lưu ý là khi NK theo điều kiện CIF, người bán sẽ có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho người mua hưởng lợi, tuy nhiên, suy cho cùng đó cũng là do người bán dùng tiền của người mua để mua bảo hiểm cho người mua. Vì vậy, các nhà NK VN cần lưu ý, thị trường bảo hiểm hiện nay rất tự do, có rất nhiều công ty bảo hiểm đang hoạt động tại thị trường VN nên việc mua bảo hiểm cho hàng hóa không phải là một việc làm khó khăn hoặc không thể. Do vậy, để hạn chế rủi ro, nhà NK nên tự mua bảo hiểm cho mình thay vì nhờ người bán theo một số điều kiện cơ sở giao hàng phổ biến. Th.S Nguyễn Thị Huyền Trân
|
Quyền bảo hiểm theo điều kiện CIF – Incoterm®
Cập nhật : 10/10/2016
Trong hành trình đường biển, khi hàng hóa gặp rủi ro sẽ gây nhiều tổn thất cho chủ hàng. Vì vậy, mua bảo hiểm là việc quan trọng chủ hàng nên làm. Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm theo điều kiện Cif – Incoterm®, nhà nhập khẩu cần lưu ý vài vấn đề sau để tránh rủi ro.
Tin liên quan
- "07 TIPS" GIÚP BẠN KHÔNG BỊ SALES HÃNG TÀU "CẠCH MẶT"
- Phân biệt Quản trị Logistics và Quản trị Supply chain
- Logistics được dự báo là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng
- Phát triển nhân lực ngành Logistics- Bài 2: Nâng chất lượng nguồn nhân lực
- Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài 1: Cơ hội và thách thức