Doanh nghiệp vận tải biển … ngập nợ

Cập nhật : 30/9/2016

Vốn đầu tư tàu biển lớn, doanh nghiệp dùng đòn bẩy cao, khả năng trả nợ khó, dẫn đến kinh doanh thua lỗ nặng. Khủng hoảng tài chính kéo dài đang làm cho ngành vận tải biển trở nên khó khăn gấp bội, hàng loạt doanh nghiệp (DN) vì chi phí tài chính lớn nên kinh doanh lỗ kéo dài, phải bán tàu để cơ cấu lại nợ.

 


Vốn đầu tư tàu biển lớn, doanh nghiệp dùng đòn bẩy cao, khả năng trả nợ khó, dẫn đến kinh doanh thua lỗ nặng. Khủng hoảng tài chính kéo dài đang làm cho ngành vận tải biển trở nên khó khăn gấp bội, hàng loạt doanh nghiệp (DN) vì chi phí tài chính lớn nên kinh doanh lỗ kéo dài, phải bán tàu để cơ cấu lại nợ.

 

Vốn cổ đông bị mất 52%

Trong hơn chục DN kinh doanh vận tải biển niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Công ty CP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP – tiền thân là Công ty CP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin), có quá trình kinh doanh lỗ nặng nhất. Từ năm 2009 đến hết tháng 9-2011, VSP lỗ tổng cộng 665 tỉ đồng. Lý do: Vay vốn tín dụng quá lớn để mua tàu vận tải biển, lại gặp lúc khủng hoảng kinh tế kéo dài, giá cước xuống thấp, lượng hàng hóa vận chuyển giảm mạnh trong khi lãi suất tín dụng tăng cao, tỉ giá ngoại tệ tăng mạnh nên tiền lãi thu từ vận tải không đủ bù đắp các khoản lỗ khổng lồ.

Việc VSP mua một số tàu vận tải lớn tại thời điểm giá tàu biển đạt đỉnh cao trước đại khủng hoảng kinh tế thế giới, dẫn đến tăng chi phí khấu hao, càng làm cho kinh doanh thêm lỗ. Theo số liệu trong báo cáo tài chính, các cổ đông đã góp vào công ty 1.425 tỉ đồng (gồm 380 tỉ đồng vốn điều lệ và 1.045 tỉ đồng vốn thặng dư từ phát hành cổ phiếu) nhưng đến nay sau khi loại trừ lợi ích cổ đông thiểu số thì vốn chủ sở hữu chỉ còn 683 tỉ đồng - tức nguồn vốn các cổ đông góp vào VSP đã bị mất 52%.

Đòn bẩy nợ thành gánh nặng

Vốn đầu tư tàu biển lớn nhưng vốn chủ sở hữu ít nên DN thường dùng chính con tàu mua để thế chấp vay tín dụng, vì vậy đa số các công ty vận tải biển đều lạm dụng đòn bẩy nợ lớn. Khi thị trường khủng hoảng, lãi suất lên cao, đòn bẩy nợ trở thành gánh nặng cho DN. Điển hình như Công ty CP Hàng hải Đông Đô (DDM), tuy có vốn chủ sở hữu chỉ đạt hơn 81 tỉ đồng nhưng nợ vay ngắn và dài hạn xấp xỉ 1.020 tỉ đồng, tức gấp 12,5 lần vốn tự có.

Trong 9 tháng đầu năm nay, dù có doanh thu ổn định nhưng DDM phải trả chi phí lãi vay hết hơn 60 tỉ đồng nên kết quả kinh doanh chỉ còn lãi 2 tỉ đồng. Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) là một DN lớn của Nhà nước mới cổ phần hóa, có vốn chủ sở hữu 1.399 tỉ đồng nhưng cũng vay nợ ngắn và dài hạn 3.429 tỉ đồng. Vì vậy, khi khủng hoảng tín dụng xảy ra thì công ty bị sa lầy. Trong 9 tháng đầu năm, VOS phải chi trả lãi vay 140 tỉ đồng nên bị lỗ gần 46 tỉ đồng. Với VSP, khoản nợ ngắn và dài hạn cũng lên đến 1.938 tỉ đồng, 9 tháng phải trả chi phí lãi vay 158 tỉ đồng, càng làm cho khoản lỗ thêm nặng.

Nguồn: nld.com.vn