Mặc dù Nghị định hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu chưa ban hành nhưng để thống nhất thực hiện Báo cáo quyết toán đối với loại hình sản xuất hàng xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 8537/TCHQ-GSQL ngày 05/09/2016.
Công văn này đã giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có khoảng thời gian khoảng 6 tháng để chủ động trong việc lập báo cáo quyết toán vì phần lớn thời điểm kết thúc năm tài chính đối với các doanh nghiệp là thời điểm 31-12. Tuy nhiên khi thực hiện lập báo cáo quyết toán, doanh nghiệp đang băn khoăn một số vấn đề như: Năm 2015, doanh nghiệp có phải nộp báo cáo quyết toán hay không; Năm 2016, doanh nghiệp lập báo cáo quyết toán cho loại hình sản xuất xuất khẩu theo chỉ tiêu số lượng hay chỉ tiêu giá trị; Số liệu tồn đầu kỳ đưa vào báo cáo quyết toán thực hiện như thế nào đối với những doanh nghiệp kế toán theo dõi hàng tồn kho không tách riêng nguồn nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu?
Hiện nay Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh cũng đang cùng với Group Thủ tục hải quan tổ chức các lớp hội thảo chuyên sâu về việc Lập báo cáo quyết toán đối với các doanh nghiệp Gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các cá nhân, tổ chức chưa được đào tạo về lập báo cáo quyết toán, chưa biết cách lập báo cáo quyết toán và có những vướng mắc chưa được giải đáp thì có thể đăng ký qua email: hoithaochuyensau@gmail.com; SĐT 0966335858 để tham dự. |
Để giải đáp các vướng mắc trên, chúng tôi đã liên hệ với Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh, chuyên gia hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực đào tạo lập báo cáo quyết toán cho doanh nghiệp gia công, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu trong khắp cả nước. Theo ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh, những vấn đề trên, doanh nghiệp cần thực hiện như sau:Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu cần lập báo cáo quyết toán cho cả năm 2015 và năm 2016. Bởi nếu không lập báo cáo quyết toán cho năm 2015 doanh nghiệp sẽ không có cơ sở số liệu cuối năm 2015 để chuyển sang số dư đầu của năm 2016. Doanh nghiệp hãy dành quyền chủ động giải trình báo cáo quyết toán khi đã có cơ sở số liệu và chứng từ giải trình cho những tình huống cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp chứng minh số liệu tồn đầu kỳ của báo cáo quyết toán năm 2016.
Thứ 2, vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về chỉ tiêu lập báo cáo quyết toán, do đó để đơn giản trước mắt doanh nghiệp cần thực hiện lập báo cáo quyết toán theo chỉ tiêu số lượng. Bởi vì nếu cơ quan Hải quan có yêu cầu lập báo cáo quyết toán theo chỉ tiêu giá trị, doanh nghiệp đều phải dựa vào cơ sở gốc là chuẩn hóa về chỉ tiêu số lượng. Với những doanh nghiệp chủ động trước về số liệu cho báo cáo quyết toán sẽ luôn dễ dàng trong việc giải trình số liệu khi cơ quan hải quan yêu cầu.
Thứ 3, những doanh nghiệp năm 2014 đang theo dõi nguyên liệu chung từ các nguồn, khi xác định số liệu tồn cuối năm 2014 của nguyên liệu nhập SXXK để chuyển sang số dư đầu năm 2015 khi lập báo cáo quyết toán cần xác định đúng tỷ lệ của lượng nguyên liệu từ nguồn SXXK trong tổng số lượng nguyên liệu từ các nguồn, khi đó mới có cơ sở xác định số lượng tương đối chính xác của số đầu kỳ năm 2015.
Thứ 4, để chuẩn bị cho việc lập báo cáo quyết toán năm 2017 doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động gia công hàng xuất khẩu đang áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC cần chủ động thay đổi cách thức hạch toán kế toán để phù hợp với Thông tư 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 26/08/2016 ( có hiệu lực từ ngày 1.1.2017) thay thế cho Quyết định 48/2006/QĐ-BTC.
Một trong những thay đổi lớn liên quan đến doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu là thông tư mới hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bỏ các tài khoản ngoài bảng so với quy định trước đây.
(Nguồn: Sưu tầm)