Xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam đối mặt với khó khăn chồng chất
Cập nhật : 27/9/2016
Thuế xuất khẩu 2%, phí vận tải tăng cao cộng với thị trường tiêu thụ giảm đang khiến cho ngành dăm gỗ Việt Nam phải đối mặt khó khăn chồng chất.
Mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn này đã kéo giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chưa bao giờ giảm mạnh như trong thời gian vừa qua.
Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng gần đây chỉ tăng khoảng 1% trong khi cùng kỳ các năm trước tăng từ 7-8%.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gỗ dăm , nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được gần 1,8 triệu tấn.
Điển hình là thị trường chính Trung Quốc giảm mạnh, mỗi năm xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 4 triệu tấn nhưng trong 6 tháng đầu năm chỉ xuất được 1 triệu tấn.
Ngoài yếu tố lớn là thị trường Trung Quốc giảm mua, giá giảm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, dăm gỗ Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt.
Là một quốc gia xuất khẩu dăm gỗ đứng đầu thế giới nhưng chất lượng dăm của Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của các nước.
Trước đây, nếu Nhật Bản nhập khẩu dăm gỗ của Việt Nam giờ lại quay sang nhập khẩu từ Australia .
“Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu. Bản thân doanh nghiệp phải nâng cao trình độ, trách nhiệm đưa sản phẩm tốt lên nhưng đồng thời cũng có vấn đề là chính sách quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay.
Ngoài chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, có hai yếu tố từ quản lý nhà nước tác động đến xuất khẩu dăm gỗ giảm.
Một là từ 1/1/2016, dăm gỗ xuất khẩu phải chịu thuế suất 2% và quan trọng hơn là Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quy định yêu cầu khi vận chuyển đổi với đường bộ là ô tô không được cơi nới, trong khi sản phẩm dăm rất nhẹ.
Nếu vận chuyển bằng đường thủy thì chỉ được để hàng ở dưới hầm, không được đưa lên boong tàu. Như vậy, giá thành vận chuyển đã tăng lên 3 lần.
“Thuế và phí vận tải đã khiến dăm Việt Nam không thể cạnh tranh được với dăm gỗ từ Australia xuất sang Trung Quốc”. - ông Quyền nói.
Khó khăn trong xuất khẩu đã khiến lượng dăm tồn, không xuất khẩu được tại Việt Nam rất lớn.
Theo các doanh nghiệp, sự sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia các khâu của chuỗi cung ứng.
Ông Lưu Văn Chánh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Cát Phú Nha Trang cho rằng, mức thuế 2% đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng rừng.
Thực tế, từ sau khi chính sách thuế có hiệu lực, giá trị rừng trồng đã giảm, tâm huyết phát triển rừng của người dân có phần nao núng.
Đặc biệt, vấn đề là thuế thu được từ mặt hàng này nhỏ hơn so với sự hỗ trợ mà Chính phủ bỏ ra đề đầu tư trồng rừng.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, chi phí phát sinh từ việc áp thuế được doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ cho tất cả các khâu trên chuỗi cung, nhưng chủ yếu là dồn xuống các hộ trồng rừng.
2% thuế được “đẩy” hết cho người trồng rừng, trong khi đó hộ trồng rừng là các hộ nghèo, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Điều này có nghĩa rằng nguồn thu từ nguồn gỗ rừng trồng của các hộ bị suy giảm.
Theo ông Nguyễn Nị, Chủ tịch Hiệp hội dăm gỗ xuất khẩu Quảng Nam - Quảng Ngãi, các chính sách quản lý cần tạo đầu ra cho dăm gỗ, vì xuất khẩu dăm gỗ giống như “người đỡ đầu” cho các hộ trồng rừng.
Trước sự phát triển nóng, phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng, đặc biệt sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở chế biến quy mô nhỏ ở vùng Bắc Trung bộ, nhằm hạn chế tình trạng này, thuế xuất khẩu 2% được áp dụng.
Tuy nhiên, áp dụng mức thuế này trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và cầu tiêu thụ co hẹp phần nào làm cho ngành chế biến dăm xuất khẩu của Việt Nam đã khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn.
Mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm xuất khẩu đã khiến dăm Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với của các nước như Australia, Braxin, New Zealand…
Mặc dù đánh giá cao đóng góp của xuất khẩu dăm gỗ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ngành lâm sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, chúng ta không nên tự hào với danh hiệu xuất khẩu dăm gỗ đứng đầu thế giới.
Việc trở thành nhà xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu của thế giới nhưng vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn so sánh, năm 2015, xuất khẩu dăm trên 8 triệu tấn, sử dụng khoảng 16 triệu m3 nguyên liệu gỗ, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD.
Trong khi đó, đồ mộc xuất khẩu chỉ sử dụng khoảng 10 triệu m2 gỗ nguyên liệu, nhưng đã tạo ra tổng giá trị xuất khẩu xấp xỉ 6 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc làm cần thiết hiện nay là phải tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ theo hướng chế biến chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Vì vậy, cần thúc đẩy sản xuất dăm gỗ. Tuy nhiên, cần phải thống kê lượng gỗ chỉ sử dụng cho sản xuất dăm và sản phẩm bị khai thác non để chế biến dăm từ đó có chính sách hỗ trợ cho sản phẩm này
nguồn bài: cafef.vn
Tin liên quan
- Đường sắt chở hàng container sang châu Âu
- Doanh nghiệp thủy sản “sốt ruột” vì giá cước vận tải biển và thiếu container rỗng
- Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá săm, lốp xe đạp và xe máy
- Ngành vận tải biển chưa thoát khỏi thế khó vì dịch COVID-19
- Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số