Doanh nghiệp Việt khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Cập nhật : 27/9/2016

(VnMedia) - Theo ông Yoichi Sakurada- Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản), hiện trình độ công nghệ của Việt Nam đang chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm, vậy nên các doanh nghiệp chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

 

 
 

 

Doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Chia sẻ tại tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI – Nhật Bản) tổ chức, ông Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi nhận định, hiện các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là tương đối đầy đủ, tuy nhiên, việc thực hiện và giám sát hiệu quả của chính sách còn hạn chế.

Theo chia sẻ của ông Yoichi Sakurada, mặc dù Việt Nam có nhiều đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương, nhưng việc hỗ trợ chủ yếu ở phần thủ tục hành chính, còn hai yếu tố quan trọng nhất là vốn và công nghệ thì rất hạn chế. Chính điều này đã khiến cho chức năng của các trung tâm bị trùng lặp và việc hỗ trợ không đi đúng vào nhu cầu của doanh nghiệp. “Đó là sự lãng phí rất lớn về tài chính và nguồn nhân lực”, ông Yoichi Sakurada nhận định.

Cũng theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu Mitsubishi, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Trình độ công nghệ của Việt Nam chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm. Ảnh minh họa
Trình độ công nghệ của Việt Nam chậm hơn các nước cùng khu vực tới 40 năm. Ảnh minh họa

Cũng theo bà Tuệ Anh, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công hỗ trợ đang có quy mô nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. “Với những doanh nghiệp có quy mô khá nhỏ như vậy, thì việc áp dụng những công nghệ tiên tiến thực sự rất khó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm phát triển”, bà Tuệ Anh chia sẻ.

Bà Tuệ Anh cũng khẳng định, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có rất nhiều, nhưng hiệu quả hỗ trợ thực sự vẫn rất thấp.

Trong khi đó, theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện không nước nào có nhiều chính sách công nghiệp hỗ trợ như Việt Nam. Tuy nhiên, các nước không lập trung tâm tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ chung cho các ngành như Việt Nam, mà chỉ có công nghiệp hỗ trợ riêng cho từng ngành một. Địa phương nào, ngành nào có lợi thế công nghiệp hỗ trợ thì họ lập trước, những địa phương còn vướng mắc sẽ lập sau.

Cần thay đổi các hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, trong thời gian vừa qua, hoạt động trong nước có cải thiện về công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bởi nếu không phát triển chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu về giá trị trong nước của sản phẩm, để tận dụng lợi thế và cơ hội mà Hiệp định tự do thế hệ mới đưa ra.

Chia sẻ về khoảng cách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với thế giới, bà Tuệ Anh cũng cho rằng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam còn hoạt động khá rời rạc, chưa được liên kết như các nước trên thế giới.

Dẫn chứng về vấn đề này, bà Tuệ Anh nói, đối với nước như Nhật Bản, khi các doan nghiệp muốn trở thành một ông lớn, trước hết phải xuất phát từ công ty nhỏ, công ty gia đình… rồi thường trở thành nhà thầu phụ của doanh nghiệp lớn và sau đó lớn dần lên. Còn riêng Việt Nam lại đi ngược với xu thế đó, dường như mỗi người làm một mảng và không ai liên kết được với ai cả. Đây là khoảng cách chúng ta cần phải lấp.

Cũng theo bà Tuệ Anh, năng lực tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải thay đổi so với trước đây. Nếu như trước đây, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về các thủ tục hành chính, chính sách… là đúng, thì trong thời buổi hiện nay, dưới góc độ của công nghệ, chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị về công nghệ, kỹ thuật, bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ không có năng lực đó.

Một điểm nữa cũng được bà Tuệ Anh đưa ra là, do doanh nghiệp Việt Nam quy mô rất nhỏ, nên rất khó để ứng dụng công nghệ. Bởi, muốn ứng dụng được công nghệ thì quy mô phải đủ lớn, để làm sao đưa công nghệ vào sẽ dần dần sản xuất hàng loạt, nhiều hơn và tốt hơn.

“Khoảng cách chính sách giữa Việt Nam và nước ngoài cũng là một vấn đề cần bàn đến. Bởi, chính sách không cần nhiều, nhưng phải tập chung và đúng đối tượng hỗ trợ. Có như vậy mới phát huy hiệu quả”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

(ST)