Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài 1: Cơ hội và thách thức
Cập nhật : 7/7/2021
Nhân lực ngành Logisics ở Việt Nam có điểm mạnh là trẻ, năng động, sẵn sàng chịu đựng thử thách và rủi ro song với yêu cầu của thị trường lao động, một bộ phận nhân lực còn chưa đáp ứng được.
Ngành Logistics (dịch vụ vận chuyển, cung ứng nguyên liệu, hàng hóa theo phương thức tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng) được ví như là “mạch máu” lưu thông của cả nền kinh tế, là cầu nối quan trọng tạo sự thông suốt, liên tục để chuỗi liên kết từ cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng được vận hành tối ưu nhất.
Với tầm quan trọng như vậy, từ khía cạnh nguồn nhân lực và thị trường lao động, Logistics đang là ngành “hút” nhân lực với những yêu cầu mang tính đặc thù. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động là việc làm cần thiết đòi hỏi sự chung tay và chia sẻ trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển dụng và các cơ quan quản lý nhà nước.
Nội dung này được TTXVN phản ánh qua hai bài viết với chủ đề: Phát triển nhân lực ngành Logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Bài 1: Cơ hội và thách thức
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh mang tính toàn cầu, Logistics là một trong những ngành dịch vụ có rất nhiều cơ hội phát triển. Trong đó nguồn nhân lực của ngành là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển này.
Đặc biệt trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thị trường lao động có tính dịch chuyển toàn cầu như hiện nay, nguồn nhân lực Logistics nước ta đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi song cũng có rất nhiều thách thức cần vượt qua.
Nhu cầu lớn từ thị trường lao động
Những năm gần đây, trong các đợt tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào những nhóm ngành như Kinh doanh - Marketing - Logistics - Du lịch luôn nằm trong nhóm những ngành “hot” được rất nhiều thí sinh đăng ký và điểm chuẩn luôn cũng ở mức cao so với nhiều ngành học khác.
Thực tế này chứng tỏ lĩnh vực Logistics đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía lực lượng lao động. Còn từ thị trường lao động, đây là ngành đang có nhu cầu tuyển dụng khá lớn. Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Cơ sở II (tại Thành phố Hồ Chí Minh) của Trường Đại học Ngoại thương nhận định: Logisitcs là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó xét ở khía cạnh nguồn nhân lực các doanh nghiệp Logistics luôn có nhu cầu rất cao về đội ngũ nhân sự có chất lượng và năng lực tốt ở cả cấp độ tác nghiệp trực tiếp hay cấp độ hoạch định, quản lý.
Cùng đề cập về nhu cầu nhân lực ngành Logistics, Phó Giáo sư Hồ Thị Thu Hòa, Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Thạc sỹ Hoàng Văn Thức, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam nêu con số cụ thể: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã công bố, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp Logistics hoạt động chuyên nghiệp, có mạng lưới logistics kết nối quốc tế trong tổng số hơn 29.000 doanh nghiệp đăng ký mã ngành kinh doanh liên quan đến lĩnh vực logistics ở nước ta. Vấn đề thiếu hụt nhân sự luôn là một trong những vấn đề hàng đầu mà các doanh nghiệp này quan tâm.
[Gỡ "Điểm nghẽn" logistics Hải Phòng]
Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, đến năm 2030 nhu cầu nhân lực mang tính chuyên nghiệp cho toàn ngành lên tới khoảng 200.000 nhân sự trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mới chỉ đạt khoảng 10% - con số còn hết sức khiêm tốn và cũng phần nào cho thấy những nhân lực ngành Logisitcs đang có sức hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng. Còn người lao động sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi trong tìm việc làm so với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác.
Phân tích về sự đa dạng, đòi hỏi nhiều vị trí, cấp độ lao động khác nhau đối với lao động ngành logistics, theo Phó Giáo sư Trịnh Thị Thu Hương, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương), nhân lực logistics gồm lực lượng lao động làm ở nhiều vị trí khác nhau.
Trong doanh nghiệp nguồn nhân lực này thường được chia theo các nhóm như nhân viên làm tại hiện trường, nhân viên làm việc tại văn phòng, quản lý nhóm, đội và nhóm lãnh đạo, quản lý cấp cao. Không chỉ có vậy, Logistics là lĩnh vực liên quan đến nhiều bộ, ngành do đó các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu cũng cần nhân lực liên quan Logistics.
Như vậy, xét về khía cạnh nhu cầu từ thị trường lao động, đây là yếu tố tích cực, tạo thuận lợi cho nguồn nhân lực ngành Logistics có nhiều cơ hội tiếp cận và chọn lựa việc làm phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội không thể phủ nhận từ nhu cầu của chính thị trường lao động, nguồn nhân lực ngành Logistics ở nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức và yêu cầu mới.
Thách thức trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự dịch chuyển lao động diễn ra, cạnh tranh gay gắt hơn cộng với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều khâu, công đoạn sẽ do máy móc, công nghệ đảm nhận thay con người, nguồn nhân lực ngành Logistics ở nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và kinh tế EXIM và cộng sự, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tích hợp trí tuệ nhân tạo với với mạng lưới internet vạn vật và các công cụ hiện đại đang làm thay đổi toàn bộ viễn cảnh ngành Logistics toàn cầu. Trong bối cảnh này nhân lực Logisics cần có năng lực chuyên ngành, trình độ ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
Nhấn mạnh nhiều thuận lợi cơ bản đối với nhân lực ngành Logistics, Thạc sỹ Hoàng Thu Hằng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện nay cũng như trong tương lai bên cạnh những thuận lợi, để làm việc trong môi trường toàn cầu hóa ngoài kiến thức chuyên môn, nhân lực ngành Logistics phải có khả năng học và sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo.
Khi làm việc trong doanh nghiệp lĩnh vực Logistics, người lao động sẽ tiếp cận và làm việc với các đối tác từ nhiều nơi trên thế giới do đó rất cần khả năng thích nghi và linh hoạt trong cách làm việc để xử lý công việc hiệu quả.
[Logistics được dự báo là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng]
Trong khi đó, từ góc nhìn của người sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Ánh Hạnh, Công ty cổ phần tư vấn và thương mại quốc tế Đại dương Xanh nhìn nhận, nhân lực ngành Logisics ở Việt Nam hiện nay có điểm mạnh là nguồn nhân lực trẻ, năng động, sẵn sàng chịu đựng thử thách và rủi ro song với yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, một bộ phận nhân lực của ngành còn chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ của ngành Logistics thế giới.
Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh còn hạn chế, ước tính mới chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ và có đến khoảng 30% doanh nghiệp logistics phải tổ chức đào tạo lại nhân viên trong quá trình làm việc.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Bửu, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Melody logistics cho rẳng, vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp Logisits ở Việt Nam đang phải đối mặt liên quan đến nguồn nhân lực là doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn song nhiều nhân sự lĩnh vực này lại còn tồn tại một số điểm yếu cần vượt qua đó là kỹ năng và tác phong làm việc.
Vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động còn thấp cũng là những thách thức cần có giải pháp khắc phục đối với nhân lực Logisitcs Việt Nam. Lấy ví dụ ở cấp độ nhân viên (ở văn phòng và hiện trường) trong ngành logisitcs, theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngoại thương, phần lớn nhân lực đảm nhiệm những vị trí này tốt nghiệp đại học lại chủ yếu là từ ngành, chuyên ngành gần với Logistics.
Hạn chế lớn nhất của một bộ phận đội ngũ này là yếu về ngoại ngữ, thiếu cam kết làm việc lâu dài tại doanh nghiệp, tính đổi mới và tính chuyên nghiệp chưa cao. Do đó thách thức đối với nhân lực nhóm này trong tương lai sẽ là ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, phối hợp nhóm, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về logistics, phong cách làm việc hiện đại hay kỹ năng chăm sóc khách hàng./.
TTXVN
Tin liên quan
- "07 TIPS" GIÚP BẠN KHÔNG BỊ SALES HÃNG TÀU "CẠCH MẶT"
- Phân biệt Quản trị Logistics và Quản trị Supply chain
- Logistics được dự báo là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng
- Phát triển nhân lực ngành Logistics- Bài 2: Nâng chất lượng nguồn nhân lực
- Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài 1: Cơ hội và thách thức