Cảng Hải Phòng với khát vọng vươn ra biển lớn

Cập nhật : 5/7/2021

Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã và đang từng bước chuyển mình để hội nhập với khát vọng vươn ra biển lớn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện gắn với thực hiện di dời khu bến cảng Hoàng Diệu, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc gia, quốc tế.

 * Thương cảng lớn nhất miền Bắc


Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh, Cảng Hải Phòng rất đỗi tự hào vì được gắn với tên gọi thành phố Cảng. Được thành lập từ năm 1874, Cảng Hải Phòng trải qua 147 năm hình thành và phát triển. Từ tháng 7/2014, Cảng Hải Phòng  chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội.

Mô hình quản lý mới đã tạo động lực chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cả về tổ chức, quản trị doanh nghiệp, làm thay đổi tư duy nhận thức của mỗi cán bộ công nhân lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu tăng trưởng năm sau đều cao hơn năm trước.

Đặc biệt chỉ tiêu về lợi nhuận hợp nhất đạt 500 - 600 tỷ đồng/năm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ với ngân sách, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ xã hội, hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển.
Cảng Hải Phòng tiếp tục phát huy là thương cảng lớn nhất miền Bắc, giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước và là một trong những đơn vị chủ lực của ngành hàng hải, với những kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả.
Đến nay, Cảng Hải Phòng là đơn vị khai thác cảng lớn nhất miền Bắc, dẫn đầu về quy mô với trên 250 trang thiết bị tiên tiến, hiện đại như cần trục giàn QC, cần trục chân đế, cần trục giàn bánh lốp RTG, các loại xe nâng chuyển, xe xúc gạt, tàu hỗ trợ lai dắt, cân điện tử, hệ thống bãi container lạnh...
Bên cạnh đó, Cảng Hải Phòng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, xếp dỡ container; tự động hóa công tác quản lý; sử dụng công nghệ EDI và trao đổi dữ liệu điện tử; xây dựng mô hình cảng điện tử và thực hiện các dịch vụ trực tuyến.
Năm 2020, Cảng Hải Phòng đạt sản lượng thông qua hợp nhất 35,7 triệu tấn, chiếm 42,5% thị phần khu vực Hải Phòng; doanh thu hợp nhất đạt 2.141 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 657 tỷ đồng, đóng góp ngân sách trên 200 tỷ đồng, đảm bảo việc làm, thu nhập và phúc lợi cho người lao động.
Năm 2021, Cảng Hải Phòng phấn đấu đạt sản lượng hợp nhất 40 triệu tấn hàng qua cảng, doanh thu đạt hơn 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trên 650 tỷ đồng; ổn định đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
* Khát vọng vươn ra biển lớn
Trên cơ sở bám sát định hướng, Quyết định của Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Cảng Hải Phòng đang từng bước chuyển mình với khát vọng vươn ra biển lớn.

Theo đó, chủ trương di dời Cảng Hoàng Diệu và xác định việc di dời là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung của thành phố Hải Phòng, vừa phục vụ nhu cầu chỉnh trang đô thị, vừa giúp cảng phát triển mạnh mẽ, hiện đại và bền vững.
Từ tháng 3/2017, Cảng Hoàng Diệu thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã ngừng khai thác tại các cầu cảng số 10, 11 và bàn giao mặt bằng khu vực này cho thành phố Hải Phòng để phục vụ thi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ nằm trong Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 24/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, các cầu cảng tiếp theo sẽ từng bước dừng khai thác, đồng nghĩa với việc bến Sáu kho đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử để bước sang giai đoạn phát triển mới.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Hồng Minh, Cảng Hải Phòng và thành phố Hải Phòng đang đứng trước cơ hội lớn để hiện đại hóa hoạt động cảng biển khu vực Hải Phòng; trong đó, Cảng Hải Phòng đóng vai trò trung tâm.

Quyết định số 1323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2019 phê duyệt chủ trương giao Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến cảng Lạch Huyện đã khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng đối với Cảng Hải Phòng.
Đây còn là sự khởi đầu cho chặng đường phát triển mới thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng để phục vụ từng bước việc di dời khu bến cảng Hoàng Diệu, bảo đảm phát huy truyền thống lịch sử của Cảng Hải Phòng và phát triển trong tương lai.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Hồng Minh cho biết, khu vực Cảng Lạch Huyện là khu bến chính của cảng, chủ yếu làm hàng tổng hợp, container, kết hợp làm hàng trung chuyển quốc tế. Giai đoạn 2020 - 2025, quy hoạch 9 bến (trong đó có 6 bến container, 3 bến tổng hợp), năng lực thông qua cảng dự báo đạt 35 - 41 triệu tấn/năm, cỡ tàu container đến 8.000 teus (100.000 DWT).
Giai đoạn 2030 và sau 2030, quy hoạch 23 bến gồm 16 bến container và 7 bến tổng hợp, năng lực thông qua dự báo đạt 118 - 136 triệu tấn/năm, cỡ tàu đến 8.000 teus (100.000 DWT). Khu vực Cảng Lạch Huyện sẽ đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và sẽ thu hút một phần lớn hàng trung chuyển quốc tế và khu vực.
Từ kinh nghiệm, bài học thực tiễn của Cảng Hải Phòng trong việc nắm bắt thời cơ để tạo lợi thế trong sản xuất kinh doanh, tích lũy nguồn lực cho đầu tư phát triển theo kiểu "cuốn chiếu"...

Cảng Hải Phòng tiếp tục tập trung huy động tối đa các nguồn lực, nhất là các nguồn nội lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sớm đưa vào khai thác nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giữ vững vai trò cảng chủ lực khu vực phía Bắc gắn với việc di dời khu bến cảng Hoàng Diệu, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc gia, quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Nguồn: TTXVN