HƯỚNG DẪN KHAI HẢI QUAN HÀNG NHẬP TỪ EU CÓ CHỨNG TỪ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ EVFTA.
Cập nhật : 21/6/2021
HƯỚNG DẪN KHAI BÁO TỜ KHAI NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ TỪ EU ÁP DỤNG TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ TRÊN CHỨNG TỪ THƯƠNG MẠI HƯỞNG ƯU ĐÃI THUÊ NHẬP KHẨU THEO EVFTA. Chi tiết xem hình bên dưới (infographic: Trần Đình Hổ)
Một số lưu ý:
Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng bao gồm nhiều chủng loại hàng hóa có xuất xứ từ nhiều nước thành viên hoặc khai báo xuất xứ trên chứng từ thương mại cho cả hàng hóa không có xuất xứ EU: - Theo thông báo từ Hải quan EU, đối với khai báo về xuất xứ hàng hóa quy định tại Mẫu lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa ban hành tại Phụ lục VII, Thông tư số 11/2020/TT-BCT, người xuất khẩu EU khai báo xuất xứ “EU” hoặc “European Union” (Liên minh Châu Âu). Người xuất khẩu không khai báo xuất xứ theo tên của một nước Châu Âu. Trường hợp cơ quan hải quan tiếp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa khai báo xuất xứ theo tên một nước Châu Âu, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Tổng cục để được hướng dẫn. - Điều 24 Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công Thương quy định nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa. Theo đó, chứng từ thương mại khai báo cả hàng hóa không có xuất xứ EU và hàng hóa có xuất xứ EU sẽ không làm ảnh hưởng đến tính hợp lệ trong khai báo tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa với điều kiện tự khai báo xuất xứ cho các hàng hóa xuất xứ EU đáp ứng quy định Thông tư số 11/2020/TT-BCT và các văn bản có liên quan.
Kiểm tra mã số REX:
- Để kiểm tra tính hợp lệ của mã số REX của công ty xuất khẩu Châu Âu, yêu cầu truy cập trang thông tin điện tử sau đây:
Theo thông báo của Hải quan Châu Âu, cơ quan hải quan có thể tra cứu được thông tin về nhà xuất khẩu (như tên công ty, địa chỉ, công ty sản xuất hay công ty thương mại), danh sách hàng hóa,.. trong trường hợp nhà xuất khẩu đồng ý phổ biến thông tin này trên trang điện tử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như một số nhà xuất khẩu của Đức, chỉ có thông tin về mã số REX và thời hạn hiệu lực của mã số REX được công bố.
ƯU ĐÃI VỀ THUẾ HÀNG NHẬP TỪ LIÊN MINH CHÂU ÂU EU - CHỨNG TỪ TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ VÀ TUYÊN BỐ REX.
Hiệp định thương mại song phương việt Nam – EU chính thước được ký kết , nghị định 111/2020 NĐ-CP đi vào hiệu lực. Hàng xuất từ Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên ở chiều ngược lại Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO.
Điều đó đồng nghĩ với việc các DN thường xuyên nhập hàng từ EU cũng sẽ có cơ hội cắt giảm chi phí thuế thông qua ưu đãi về thuế theo EVFTA.
Tuy vậy do chưa hiểu hết về nội dung, nhiều DN còn bở ngỡ về vấn đề này, và chưa biết cách xử lý hồ sơ để tận dụng những ưu đãi trên. Bình thường lâu nay nhập khẩu chúng ta vẫn quen sử dụng các loại C/O theo form (Form E, form D, form AI, AK, VK…) để giảm thuế. Tuy nhiên châu Âu có vẻ không thích formal như các nước châu Á, hơn nữa chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O form EUR1 hầu như chỉ sự dụng nội khối EU. Nên hầu hết các nước châu Âu từ chối cấp C/O form EUR1 cho bên mua, và thay vào đó sử dụng chứng từ ‘’tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa’’ theo hiệp định để thay thế việc cấp C/O . Vậy chứng từ thay thế đó như thế nào, có đơn giản hơn không và cách thức sử dụng như nào trong thực tiễn, mình sẽ đi sâu bên dưới.
Trước tiên làm rõ 2 vấn đề:
Thứ nhất: Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA: thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 24, Thông tư số 11/2020/TT-BCT, diên giải cụ thể hơn trong CV: 7735/TCHQ-GSCL cụ thể:
"Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Liên minh châu Âu..."
Chứng từ thương mại có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.
Như vậy: Invoice, Packing List, PI hay vận đơn đều có khả năng trở thành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nếu nó có in nội dung lời văn khai báo tự chứng nhận xuất xứ (tuyên bố REX)
Thứ 2: Tuyến bố REX là gì?
Registered Exporter System (hệ thống REX) là một hệ thống chứng nhận xuất xứ hàng hóa dựa trên nguyên tắc tự chứng nhận. Xuất xứ hàng hóa được tuyên bố bởi chính các nhà khai thác kinh tế bằng cách gọi là tuyên bố xuất xứ hay là ‘’tuyên bố REX’’. Khi bên xuất khẩu đủ điều kiện và đăng ký với phòng thương mại, sẽ được cấp mã số tư chứng nhận xuất xứ hay còn gọi là mã số REX.
Khi bên xuất khẩu đủ điều kiện và đăng ký với phòng thương mại, sẽ được cấp mã số tư chứng nhận xuất xứ hay còn gọi là mã số REX. Hải quan Việt Nam có thể kiểm tra tính hợp lệ của mã số này trên link:
Nội dung tuyến bố REX phải được thể hiện như sau (tiếng anh) :
The exporter of the products covered by this document ……(1) declares that, except where otherwise clearly indicated, these products are of ……(2) preferential origin. ...…………………………………………………………………...................... (3)
(Place and date) ...…………………………………………………............... (4)
(Signature of the exporter; in addition, the name of the person signing the declaration has to be indicated in clear script)
Lưu ý:
(1) Khi chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có chứa nội dung lời văn khai báo xuất xứ được phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện, mã số tự chứng nhận xuất xứ (Mã số REX) của nhà xuất khẩu đủ điều kiện phải được điền vào khoảng trống này. Khi chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có chứa nội dung lời văn khai báo xuất xứ không được phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện, phần trong ngoặc đơn sẽ được bỏ qua hoặc để trống (Cái này hơi khó hiểu, cụ thể lát mình làm rõ hơn, nó liên quan đến giá trị hàng)
(2) Nêu rõ xuất xứ của hàng hoá. Khi chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có chứa có toàn bộ hoặc một phần hàng hoá có xuất xứ từ Xớt-ta và Mê-li-la , nhà xuất khẩu phải nêu rõ điều đó trên chứng từ bằng việc thêm từ “CM” vào phần tự chứng nhận. Tí mình nói rõ thêm.
(3) Thông tin này có thể bỏ qua nếu đã được thể hiện trên chính chứng từ đó. Có nghĩa chứng từ đã có sẵn ngày tháng ở chỗ khác rồi thì khỏi cần ghi lại bên dưới.
(4) Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải ký tên, việc miễn chữ ký cũng đồng nghĩa với miễn thể hiện tên của người ký. Bên dưới mình sẽ giải thích cụ thể hơn.
Căn cứ chính là 2 vấn đề trên, Tuy nhiên, cũng theo thông tư 11/2020/TT-BCT, thì tùy vào giá trị hàng, cách thức viết tuyên bố REX và cách sử dụng cũng có những sự khác nhau, cụ thể hơn và đi vào thực tế như sau:
Đối với các lô hàng có trị giá hàng trên 6000 EUR.
- Với những lô hàng có trị giá trên 6000 EUR, nhà xuất khẩu bắt buộc phải có mã số REX, như vậy trong lời tuyên bố REX phải thể hiện mã số REX của người xuất khẩu.
- Cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà không có chữ ký của người xuất khẩu có mã số REX cho các lô hàng có trị giá trên 6000 Euro (CV 7735/TCHQ-GSCL)
- Xuất xứ yêu cầu thể hiện (ô số 2 trong tuyến bố REX) : EU hoặc EUROPEAN UNION, không được để tên nước cụ thể. Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ khai báo khai báo xuất xứ EU/European Union và khai báo thêm tên một nước châu Âu cụ thể thì không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Bản gốc chứng từ tự chứng nhận nộp cùng hồ sơ hải quan ? (Tùy hải quan, theo mình trường hợp này một khi đã có mã REX thì không cần nộp bản gốc vì hải quan có thể tra số REX trên web, tuy nhiên dù sao nó cũng là một chứng từ thay thế C/O nên hải quan có đòi hỏi cũng chưa thể bác lại được)
- Phần thuế suất nhập khẩu trên TKHQ chọn B25 để hưởng ưu đãi về thuế (nếu có)
Có một số vấn đề liên quan đến tính hợp lệ của chứng từ tự chứng nhận khi hàng chuyển tải, quá cảnh hay liên quan đến nước thứ 3, mọi người có thể tự đọc thêm 2 công văn liên quan sau:
Số: 6464/TCHQ-GSQL V/v thực hiện Hiệp định EVFTA
Số: 7735/TCHQ-GSQL V/v chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA
(Nguồn: Ng Linh Ng.)
Hướng dẫn thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong EVFTA.
Ngày 25/1/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BTC quy định Thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA).
Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đặc biệt, tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, người khai hải quan phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ sau thời hạn hiệu lực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu hoặc các trường hợp xuất trình muộn khác, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét, quyết định việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với các trường hợp cụ thể. Đối với trường hợp xuất trình muộn khác, hàng hóa phải được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA thực hiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 5/9/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Đối với các tờ khai hải quan của mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 1/8/2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các quy định để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2022 và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn mức thuế quy định tại Hiệp định EVFTA và Nghị định số 111/2020/NĐ-CP thì người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho cơ quan Hải quan để được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
(Sưu tầm)
Tin liên quan
- "07 TIPS" GIÚP BẠN KHÔNG BỊ SALES HÃNG TÀU "CẠCH MẶT"
- Phân biệt Quản trị Logistics và Quản trị Supply chain
- Logistics được dự báo là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng
- Phát triển nhân lực ngành Logistics- Bài 2: Nâng chất lượng nguồn nhân lực
- Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài 1: Cơ hội và thách thức