Câu chuyện về đôi giày Nike

Nike là hãng giày thể thao lớn nhất thế giới với doanh thu toàn cầu năm 2014 ước đạt 28 tỷ USD. Tuy mang tên là giày Mỹ, nhưng giày Nike chưa từng bao giờ được sản xuất tại Mỹ. Những đôi giày Nike đầu tiên được sản xuất tại… Nhật, vào những năm cuối thập kỷ 1960. Chỉ sau một vài năm, người Nhật “nhường” khâu sản xuất đó sang Hàn Quốc và Đài Loan. Cũng chỉ sau vài năm, vị thế này được chuyển sang cho Malaysia, rồi Thái Lan và Indonessia, và tiếp đó là dừng chân ở Việt Nam.

Những nhà sản xuất Nike đầu tiên, đến nay họ đang làm gì nếu còn trong ngành giầy? Họ đã có thương hiệu riêng. Họ nghiên cứu những ý tưởng mới và mẫu mã mới. Họ làm marketing, phân phối và bán lẻ. Hoặc họ trở thành những nhà tổ chức sản xuất để thuê nhân công các nước khác sản xuất cho họ.

Hiện nay các đôi giày Nike có thể in dòng chữ “Made in Vietnam”. Nhưng các thành phần của đôi giày đó đến từ khắp nơi trên thế giới: ý tưởng, thiết kế, công nghệ, thương hiệu, các bộ phận từ mũi, đế, da, dây, chỉ khâu, keo dán… Và sau đó, những đôi giày đó lại theo hệ thống phân phối, marketing, bán lẻ để đi khắp thế giới. Chính vì vậy, giày Nike được nhìn nhận như một trong những biểu tượng của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Mô hình chuỗi giá trị gia tăng

Quảng cáo

Hội nhập kinh tế không chỉ là những con số xuất khẩu hay nhập khẩu tính bằng tiền. Điều quan trọng hơn là chúng ta tham gia được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu để mở rộng thị trường. Và điều quan trọng nhất là từ vị trí ban đầu, chúng ta phải vươn lên được những vị trí có giá trị gia tăng cao hơn.

Có lẽ cách tốt nhất để mô tả chuỗi giá trị gia tăng là mô hình “nụ cười Stan Shi”. Đó là đường cong có dạng như một nụ cười, được vẽ ra bởi ông Stan Shi, người sáng lập hãng máy tính Acer. Hãng này đã tham gia chuỗi sản xuất máy tính trên thế giới từ vị trí thấp nhất là gia công lắp ráp, nhưng đã nỗ lực liên tục để ngày nay chiếm lĩnh những vị trí có giá trị gia tăng cao nhất.

Sự kiện hội nhập kinh tế quốc tế năm 2015 với TPP và AEC

Chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu không còn xa lạ ở Việt Nam. Từ khi bắt đầu “đổi mới” cách đây gần 40 năm, chúng ta đã tham gia chuỗi này bằng quá trình mở cửa giao thương, thu hút vốn đầu tư, ký kết các hiệp định… Năm 2007 Việt Nam đã trở thành một thành viên của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới.)

Quá trình hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam trong năm 2015 được đánh dấu với hai bước nhảy vọt quan trọng. Đó là sự kiện ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chính thức vận hành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Với TPP, có rất nhiều điều để nói về những điều khoản hiệp định về tự do thương mại, đầu tư, chính sách… nhưng có hai con số nổi bật: ở đây bao gồm 40% dân số toàn cầu và 60% GDP toàn cầu. Với AEC, đây là một khối với 600 triệu dân và 2 ngàn tỷ đô-la GDP, trong đó là dòng chảy hoàn toàn tự do về thương mại, dịch vụ, đầu tư, vốn, và lao động có kỹ năng.

Tình thế đang thay đổi rất nhanh, và chúng ta đang ở vị thế nào trong đó?

Vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng

Trở lại với câu chuyện Nike. Những đôi giày Nike “Made in Vietnam” đã đi khắp thế giới. Doanh số xuất khẩu tính bằng trăm triệu đô-la hay tỷ đô-la. Không ít người chúng ta tự hào về điều đó.

Tuy nhiên, hãy nhìn kỹ hơn một chút. Bình quân giá một đôi giày Nike khoảng hơn 100 đô-la (có những đôi giày 300 đô-la, cũng có những đôi hạ giá còn 60 đô-la). Một tính toán cho thấy, phần của người công nhân Việt Nam chỉ vỏn vẹn 1 đô-la. Chúng ta đứng ở đáy của chuỗi giá trị gia tăng, và đã đứng yên tại đó cho đến nay là ¼ thế kỷ.

Tương tự, chúng ta tự hào là nước xuất khẩu cà phê thứ nhì thế giới. Trong giá bình quân một ly cà phê bán ở các nước khát triển, phần dành cho người lao động Việt Nam cao nhất cũng không đến 1%. Trong toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng về cà phê, phần của chúng ta vẫn là thấp nhất!

Gia nhập được chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, đó là một thành công. Tuy nhiên, nếu nhiều năm sau chúng ta vẫn ở vị trí giá trị gia tăng thấp nhất, thì đó lại là thất bại.

Giáo sư Shlomo Maital của Trường MIT (Hoa Kỳ) và Trường Technion (Israel) trong dịp đến trường PACE tháng 11/2014 đã đề nghị: “Việt Nam cần phải vượt lên trong chuỗi giá trị gia tăng, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới”.

Chờ đợi câu trả lời của doanh nghiệp.

Trong bước hội nhập sắp tới, doanh nghiệp chúng ta có gì đặc biệt? Trong 10 nước tham gia TPP, chúng ta có năng lực cạnh tranh thấp nhất. Công đồng AEC có GDP 2 ngàn tỷ đô la, thì 89% có năng lực cạnh tranh cao hơn chúng ta, và chỉ có 3% có năng lực cạnh tranh thấp hơn chúng ta!

Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta tham gia chuỗi giá trị gia tăng ở vị trí thấp nhất. Hãng Canon cho biết, doanh nghiệp Việt chỉ mới đáp ứng được hộp, bìa các-tông đóng gói sản phẩm cho họ, còn các loại thiết bị linh kiện khác thì không thể tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam.Samsung cũng công bố danh sách nhu cầu cần được cung cấp hàng trăm loại linh kiện như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng họ lại không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam.

Với vị trí thấp nhất, chúng ta được trao cho một cách khá dễ dàng. Với các vị trí cao hơn, chúng ta phải cạnh tranh quyết liệt để giành lấy.

Để vươn tới những vị trí đó, nguồn lực của doanh nghiệp không phải là máy móc hay sức lao động cơ bắp. Đó là tri thức, khoa học công nghệ, con người sáng tạo, và lãnh đạo tài năng.Càng tham gia chậm, những người đi trước càng củng cố vị trí, và chúng ta càng ít cơ hội giành được.

Liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội để thành công và khẳng định vị thế doanh nghiệp mình trên thương trường quốc tế? Phần lớn của câu trả lời đó, chỉ có thể đến từ các doanh nghiệp.

(Trường PACE)